banner
 
Home Page
vanhoc

 
Home
 
Saigon Bao.com
Saigon Bao 2.com
 
Liên Lạc - Contact
 
Liên Lạc - Contact
 
 
 
Tài Liệu
 
Tài liệu
Tài liệu Lưu trữ
Tin tức Lưu trữ
Nguyễn Quang Duy
 
Cần Thiết
 
Directory
 
Phụ Trang
 
Mobile Version
BaoThoiSu.com
BaoPhongSu.com
BaoTuDo.com
 
Disclaimer
SaigonBao.com
1999-2021 All rights reserved
 
 
 
Diem Bao industry lifestyle
 
 
 
 
 
 
Trang Nhà -Tài liệu Dân chủ - Lưu trữ 2007 -Tài liệu Lưu trữ
 
 

VIETNAM NEWS NETWORK (VNN)

P.O. Box 661162

Sacramento, CA 95866

Phone & Fax: 916-480-2724

Email: vnn@vnn-news.com

Website: www.vnn-news.com

 

**********************************
Bản Tin Hàng Ngày

Ngày 26 Tháng 09 Năm 2007

**********************************

 

1- Tin Cộng Ðồng 26-09-07

- Mật Vụ CSVN Sang Cam Bốt Truy Lùng, Ám Sát Mục Sư Ngô Ðắc Lũy

- Một Phụ Nữ Gốc Việt Ðược Trao Giải Thưởng MacArthur Fellows Năm 2007

2- Tin Việt Nam 26-09-07.

- Sập Cầu Cần Thơ Ðang Xây, Gần 100 Người Chết Và Bị Thương

- Nhà Cầm Quyền CSVN Cấm Chuyến Ði "Trình Diễn Thơ" Xuyên Việt Do Tòa Ðại Sứ Anh Tổ Chức

- Vụ Hỗn Chiến Tại Bãi Vàng Phước Sơn, Quảng Nam: Có Bàn Tay Quyền Thế Bảo Kê

- Heo Chết Tại Việt Nam Vì Nhiễm Virút Tai Xanh Cực Ðộc Cùng Loại Như Ở Trung Quốc

- Chuyện Thương Tâm Cho Dân Việt Nam: Một Sản Phụ Phải Tự Sinh Con Ngay Trong Bệnh Viện

- Bão Số 4 Vào Việt Nam Suy Yếu Thành Áp Thấp: 19 Tàu Bị Ðắm Trong Mưa Bão

- Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm Nhận Hối Lộ

- Ðường Trong Thủ Ðô Biến Thành "Ðường Làng"

- Chợ Vinh Lại Bị Hỏa Hoạn

 

3- Tin Thế Giới 26-09-07

- Miến Ðiện: Chế Ðộ Quân Phiệt Ra Lệnh Nổ Súng Giải Tán Biểu Tình

- Ân Xá Quốc Tế Kêu Gọi Liên Hiệp Quốc Gửi Ðặc Sứ Tới Miến Ðiện

- A Phú Hãn: 165 Tay Súng Taleban Bị Bắn Hạ Sau Hai Ngày Giao Tranh

- Tổng Thống Venezuela Muốn Giúp Giải Thoát 3 Tù Nhân Mỹ

- Liên Hiệp Quốc: Thủ Tướng Ý Vận Ðộng Thế Giới Bãi Bỏ Án Tử Hình

- Phi Luật Tân: Chủ Tịch Ủy Ban Bầu Cử Bị Cáo Buộc Tham Nhũng

- Trung Cộng Tiếp Xúc Mật Với Ðối Lập Miến Ðiện

- Giới Trí Thức Iran Nóng Lòng Khi Lãnh Ðạo Họ Bị Sỉ Nhục

- TTK Ban Ki Moon Kêu Gọi Quốc Tế Hậu Thuẫn Cải Cách Của LHQ

- CIA Báo Ðộng: Al-Qaida Tuyển Mộ Nhân Sự Ở Âu Châu

 

**********************************

 

1- Tin Cộng Ðồng 26-09-07

 

- Mật Vụ CSVN Sang Cam Bốt Truy Lùng, Ám Sát Mục Sư Ngô Ðắc Lũy

 

(Cam Bốt - VNN) Mục sư Ngô Ðắc Lũy, thuộc Liên Hữu Cơ Ðốc Việt Nam, đang ẩn náu tại Cam Bốt, bị truy lùng gắt gao, và bị mưu sát 2 lần, bởi mật vụ CSVN.

Qua một cuộc phỏng vấn trên đài RFA ngày 25/9/2007, ông Nguyễn Phùng Phong, một trong 74 người Việt Nam đang tị nạn tại Cam Bốt cho hay, cùng lúc mục sư Ngô Ðắc Lũy, Liên Hữu Cơ Ðốc Việt Nam, bị truy bức tại Cam Bốt thì tại Việt Nam "thân nhân của Mục sư Luỹ cũng bị nhiều áp lực đáng ngại."

Ông Phong cho biết từ một tuần qua, mục sư Lũy bị nguy khốn bởi nhiều áp lực, nhất là từ Việt Nam. Gia đình của bà mục sư đã bị công an CSVN đến tại nhà sách nhiễu, ban tổ chức và điều hành tại trường mà bà mục sư đang dạy buộc bà phải làm đơn ly dị Mục sư Lũy, nếu không, họ sẽ không cho bà giảng dạy tại trường học hiện nay. Thứ hai là tất cả 2 đứa con của Mục Sư sẽ không được tiếp tục theo học. Thứ ba là họ cắt hết tất cả những điều kiện sống cần thiết như hộ khẩu và những phương tiện cần có của người dân trong nước.

Nhà cầm quyền CSVN tỏ ra khó chịu với những hoạt động của mục sư Ngô Ðắc Lũy, trong đó có việc ông bảo vệ và giúp đỡ nhiều người Việt Nam tị nạn chính trị đến Cam Bốt.

Mật vụ CSVN đã hai lần mưu sát Mục sư Lũy bằng cách ném đá vào đầu ông.

Một trong các hoạt động nữa của mục sư Ngô Ðắc Lũy là giúp những mảnh đời bất hạnh của các em gái Việt Nam bị bán làm gái bán hoa. RFA nói rằng "Chính những điều này đã làm cho tình trạng của Mục sư Lũy mỗi ngày một nghiêm trọng hơn."

Mục sư Ngô Ðắc Lũy bị truy bức liên tục. Mật vụ CSVN gọi điện thoại đe dọa và cảnh cáo sẽ đập đầu ông.

Bản thân ông Nguyễn Phùng Phong, một người đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc chứng nhận và cấp giấy tị nạn, cũng từng bị gọi điện thoại và cảnh cáo sẽ bị trừng phạt nếu tiếp tục đi theo con đường truyền giảng của Mục sư Lũy.

Từ hơn một tuần nay, không ai có thể liên lạc được với mục sư Ngô Ðắc Lũy vì, theo ông Phong, "Mục Sư đang lẫn tránh nên cắt hết điện thoại vì lo sợ một khi gọi điện thoại cho chúng tôi và chúng tôi gọi lại thì ông sẽ bị lộ diện và ông sẽ bị mật vụ cộng sản Việt Nam bắt ngay lập tức.". Ông Phong nói: "Ở đây chúng tôi rất là hoang mang, rất là đau khổ trước tình trạng của Mục sư Lũy."

 

=END=

 

- Một Phụ Nữ Gốc Việt Ðược Trao Giải Thưởng MacArthur Fellows Năm 2007

 

(Chicago-VNN) Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng, 45 tuổi, một phụ nữ gốc Việt, đã được chọn cùng với 23 người khác được nhận giải MacArthur Fellowship 2007. Bà là một nghiên cứu gia về hóa học làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia ở Los Alamos (Los Alamos National Laboratory), tiểu bang New Mexico. Thành tựu của Tiến sĩ Mỹ Hằng là phát minh những kỹ thuật dùng để tổng hợp các chất năng lượng mạnh giải quyết được hai yếu tố thường xảy ra là để lại hậu quả xấu về mặt môi trường và nhiệt độ. Tiến Sĩ Huỳnh Mỹ Hằng đã tạo ra hai cơ chế phản ứng hóa học dựa trên các chất azides và alkynes. Thuộc tính nhiệt học của các chất này giúp tổng hợp thành một hợp chất có thể chịu nhiệt ở mức độ cực đoan nhất; đồng thời, cấu trúc của hợp chất mới giúp thay thế các chất độc của kim loại nặng như thủy ngân hay chì, bằng các chất ít độc hơn, như đồng hoặc iron.

MacArthur Foundation là một tổ chức bất vụ lợi tại Hoa Kỳ, trụ sở ở Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Hàng năm họ chọn ra một số người để trao giải MacArthur Fellowship. Những người trúng giải là những người có những sáng tạo trong công việc làm của họ để đem lại những điều hữu ích cho nhân loại. Giải thưởng gồm có $500,000 mỹ kim để toàn quyền sử dụng trong công việc. Người trúng giải không phải bị bó buộc điều kiện gì cả với MacArthur Foundation. Giải này không nộp đơn xin mà phải được đề cử. Một ủy ban 12 người sẽ tuyển chọn những nhân vật trúng giải trong năm.

Từ năm 1981 đến nay, MacArthur Foundation đã nêu tên 756 người. Giải thưởng này còn có tên là "Genius Grants". Trước đây, một người Việt Nam khác đã trúng giải MacArthur cách đây 20 năm, đó là là học giả Huỳnh Sanh Thông, 1987.

 

* Bà Huỳnh Mỹ Hằng

 

=END=

 

2- Tin Việt Nam 26-09-07.

 

- Sập Cầu Cần Thơ Ðang Xây, Gần 100 Người Chết Và Bị Thương

 

(Cần Thơ - VNN) Sáng sớm ngày hôm nay 26/9/2007 (giờ Việt Nam), nhịp cầu dài 90 mét của chiếc cầu Cần Thơ đang được xây dựng đã bị sập. Tin các báo trong nước cho biết khoảng 100 người bị chôn vùi. Hàng chục người chết và bị thương, phần nhiều người còn đang bị kẹt dưới đống đổ nát.

Lúc cầu Cần Thơ bị sập, 200 công nhân đang làm việc tại đây. Hàng chục thi thể cùng nhiều người bị thương được đưa ra khỏi đống đổ nát. Các bệnh viện tràn ngập người thương vong.

Tin từ Bệnh viện đa khoa Cần Thơ, trong số 40 người nhập viện, đã có khoảng 10 người tử vong. Tại bệnh viện quân đội 121, có 25 người đã chết đang được làm thủ tục đưa về địa phương mai táng.

Bệnh viện 30/4 của TP Cần Thơ đã tiếp nhận 17 nạn nhân, trong đó có 2 người chết trước khi nhập viện, 11 trường hợp bị chấn thương phần mềm đã hồi phục sức khỏe, 3 trường hợp khác bị gãy xương cẳng chân, xương sườn, tràn khí màng phổi đang được theo dõi, trường hợp còn lại bị chấn thương sọ não đã chuyển sang Bệnh viện 121.

Các bệnh viên tư chưa thống kê số người chết và bị thương.

Bệnh viện Vĩnh Long đã huy động 4 trong tổng số 5 xe cấp cứu ra hiện trường vụ tai nạn. Có khoảng 500 lượt bác sĩ, y tế và máy móc thuốc men của các đơn vị đồng ngành tại tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long và những tỉnh, thành lân cận có mặt.

Sáng nay, gần 1.000 người dân, công nhân viên chức và sinh viên tỉnh Cần Thơ đã đến Trung tâm huyết học hiến máu cứu nạn nhân vụ sập cầu.

Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN Ngô Thịnh Ðức cho biết khu vực xảy ra sự cố do các nhà thầu phụ của Việt Nam đảm trách.

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân sập nhịp cầu này là do hệ thống dàn giáo yếu. Nhịp cầu này mới được đổ bê tông vài ba ngày nay. Còn theo một kỹ sư không cho biết tên, thì nguyên nhân sập có thể do mấy ngày nay mưa nhiều quá nên đất bị lún.

Tính đến 15 giờ chiều nay, ít nhất 38 thi thể đã được kéo ra khỏi đống đổ nát. Tại các bệnh viện Cần Thơ và Vĩnh Long, hàng chục bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Công tác cứu hộ đang chạy đua với thời gian. Hầu hết nạn nhân bị đa chấn thương, không xuất huyết ngoài do hội chứng vùi lấp. Nạn nhân đều là nam giới tuổi khoảng 40 trở lại. Hiện còn rất nhiều người bị vùi trong đống đổ nát.

Trời chạng vạng tối nhưng khá đông người dân với gương mặt thất thần đứng ngóng tin người thân. Từ trong đống đổ nát, vẫn vọng ra những tiếng "dộng" vào sắt, thép, bê tông để cầu cứu của những người mắc kẹt.

Một số chi tiết về dự án cầu Cần Thơ được ghi nhận như sau:

Vị trí cầu bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, cách bến phà Cần Thơ hiện tại 3,2km về phía hạ lưu.

Chiều dài toàn bộ tuyến dự án là 15,85km; tổng chiều dài cầu 2.750m, trong đó cầu dây văng dài 1.010m, cầu dẫn 1.630m.

Cầu rộng 23,1m trong đó có bốn làn xe, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m.

Khổ thông thuyền: 30mx300m và 39mx110m.

Tốc độ xe chạy theo thiết kế: 80km/g (qua các khu dân cư 60km/g).

Kỹ thuật: cầu được thiết kế vĩnh cửu theo dạng dây văng, mặt cầu hỗn hợp dầm thép và bêtông cốt thép dự ứng lực.

Trụ tháp: dạng hình chữ Y ngược, cao 164,8m tính từ bệ cọc.

Vốn đầu tư: khoảng 300 triệu đôla, tương đương 4.841 tỉ đồng.

Thời gian thực hiện: 2004-2008.

 

 

* Nhịp cầu dài 90 mét của chiếc cầu Cần Thơ đang được xây dựng, bị sập.

 

medium_cauCanTho.jpg

* Quang cảnh cấp cứu tại nơi cầu sập.

 

 =END=

 

- Nhà Cầm Quyền CSVN Cấm Chuyến Ði "Trình Diễn Thơ" Xuyên Việt Do Tòa Ðại Sứ Anh Tổ Chức

 

(Hà Nội - VNN) Dự án về một chuyến xe chở các thi sĩ đi "trình diễn thơ" xuyên Việt (từ Bắc vào Nam) do Hội Ðồng Anh (British Council - thuộc Tòa Ðại Sứ Anh tại Việt Nam) đứng ra tổ chức đã phải hủy bỏ vì nhà nước CSVN ra lệnh cấm.

Tin tức cho biết, chuyến "trình diễn thơ" dự tính sẽ diễn ra từ ngày 18 đến ngày 24/9 tại 4 địa phương là Hà Nội, Huế, Hội An (Quảng Nam) và Sài Gòn. Chuyến đi sẽ gồm các nhà thơ của Việt Nam, tiêu biểu như Dương Tường, Vy Thùy Linh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên... và một nhà thơ người Anh, Francesca Beard.

Ngoài việc trình diễn thơ, chuyến đi này nhằm giới thiệu văn học đương đại Anh với độc giả Việt và khích lệ các nhà thơ trẻ của Việt Nam.

Theo ban tổ chức, "Tại tất cả các địa điểm, ban ngày sẽ có hội thảo và các cuộc trình diễn sẽ diễn vào buổi tối với sự tham gia giao lưu của các nhà thơ địa phương. Các nhà thơ sẽ tự thể hiện tác phẩm cũng như cùng nhau trình diễn hoặc sáng tác theo chủ đề. Các buổi diễn có kết hợp với âm nhạc."

Tuy nhiên, dự án đã bị hủy bỏ và lý do có lệnh cấm này cũng hết sức mơ hồ như. Nhà thơ Hoàng Hưng, cho biết: "Một người bạn trong Thi-xa-đoà'n' buồn buồn thông báo: Xe Thơ không được phép lăn bánh trên lãnh thổ Việt Nam. Lý do: Không ai tuyên bố. Hỏi: Không ai trả lời. Thêm một chi tiết: Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới ngăn chặn xe Thơ này."

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của đài BBC vào tối 25 tháng Chín (giờ Việt Nam), nhà thơ Hoàng Hưng giải thích đại ý rằng, có lệnh cấm là vì trước đây Hội Ðồng Anh đã từng hai lần tổ chức cuộc trình diễn thơ dành cho các nhà thơ tại Hà Nội và Sài Gòn. Trong hai lần này một số nhà thơ, trong bài phát biểu của mình, đã đụng đến các vấn đề "nhạy cảm" của chế độ cho nên lần này mới bị hủy bỏ.

Ðáng chú ý là khi dự án này đưa ra thì các cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước đã loan tin, còn khi ra lệnh hủy bỏ thì chưa có tờ báo nào trong nước loan bản tin này.

Trước khi chuyến đi bắt đầu, một thành viên là nhà thơ Vi Thùy Linh (từng tham gia nhiều cuộc trình diễn thơ) cho hay: "Tôi thấy hình thức mới này sẽ có sức lôi cuốn công chúng quan tâm đến văn học... Qua sự thể hiện mới lạ, gây xúc động trực tiếp, từ đó sẽ có thể thuyết phục công chúng đến với văn chương nhiều hơn, đặc biệt là thơ."

Nhưng dưới góc nhìn của nhà cầm quyền CSVN, những chiếc xe thơ như thế là "nguy hiểm," như lời bình luận cay đắng dưới đây của nhà thơ Hoàng Hưng: "Xe Thơ đã vô tích sự lại còn nguy hiểm cho đất nước gấp trăm nghìn lần những xe ben chở đất đá của các ông lớn đang ào ào phá nát các con đường, những chiếc xe gỗ được bảo kê chở hết cây rừng về các biệt thự, những chiếc xe trị giá hàng trăm con trâu đang ngày đêm xục xạo các đường ngang ngõ dọc để lập dự án chiếm đất chiếm rừng làm trang trại lâm trại riêng. Ta không ngăn được những xe ấy thì ít ra cũng ngăn được Xe Thơ chứ!"

 

medium_xeTho01.jpg

* Chiếc xe dự tính chở các nhà thơ xuyên Việt đã không được lăn bánh.

medium_xeTho02.jpg

* Tờ chương trình của chuyến trình diễn thơ xuyên Việt của Hội Ðồng Anh.

 

=END=

 

- Vụ Hỗn Chiến Tại Bãi Vàng Phước Sơn, Quảng Nam: Có Bàn Tay Quyền Thế Bảo Kê

 

(Quảng Nam - VNN) Năm ngày sau vụ hỗn chiến bằng hung khí và cả trăm quả mìn tự tạo giữa 2 nhóm gần 150 người tại bãi vàng Phước Sơn hôm 15/9, chưa có "người lạ" nào được đặt chân vào hiện trường ngoài đoàn kiểm tra của nhà chức trách tỉnh.

Người dân nghi ngờ có những khuất tất, bảo kê, và vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này rồi cũng bị "chìm xuồng"...

Theo tờ Lao Ðộng, giấy phép của Công ty chỉ là "lá bùa" để hợp pháp hoá việc khai thác vàng Phước Sơn. Cả vùng núi 6,3ha - nơi Công ty Kim Thành Lộc được cấp phép - tơi bời như bãi bom hạng nặng oanh tạc. Tờ báo kể diễn tiến trận chiến như sau: Cùng là Công ty, song nhóm 55 công nhân của đội Vũ Thị Minh Hiếu khoét 2 hầm (sâu hơn 300m trong lòng đất) hướng nam - bắc. 80 công nhân của đội Nguyễn Ðức Toàn đào 2 hầm theo hướng ngược lại từ phía kia của ngọn núi (ký hiệu điểm G21). Mọi sinh hoạt, khai thác hoàn toàn độc lập như những hầm khai thác vàng trái phép trước đây.

Tại lều chỉ huy của đội bà Hiếu, "cai" Nguyễn Bảy và Trần Hoàng Hải kể rằng: "Lúc 11giờ 30 đêm 14/9, 20 công nhân ca ngày đang say ngủ, 25 công nhân ca đêm ăn cơm thì đột nhiên hàng chục quân của ông Vương, ông Mơ, Nam (là "cai" quân của đội ông Toàn) mang gậy gộc, xà beng, cần khoan xông vào khống chế máy trưởng Mai Hường, tắt máy điện. Tiếp đó toả ra các trại sản xuất, lán quân (nơi ăn nghỉ của công nhân) đập cầu dao, bóng điện, bắt đầu tấn công công nhân.

Chúng tôi chưa kịp kháng cự thì ngay sau đó quân ông Vương đánh 2 quả mìn vào lán quân. Công nhân hốt hoảng, quần đùi chân không chạy ngược núi cao để thoát thân. Cuộc chiến hỗn loạn khi tiếp đó hơn 20 quả mìn đánh trực tiếp vào lán chỉ huy của bà Hiếu, và hàng chục quả mìn khác được đánh vào trại sản xuất, lán quân và trên không trung". "Cai" Hoàng Hải còn chi tiết: "Dù cả trăm người hỗn loạn trong đêm tối nhưng rất dễ phân biệt vì quân của ông Vương đều bịt khăn hoặc mũ trắng trên đầu. Cuộc tấn công cũng có chiến thuật và kế hoạch rõ ràng. Sau khi đánh đợt mìn phủ đầu, tấn công bằng hung khí, đến 1 giờ sáng 15/9, quân ông Vương đánh mìn cầm chừng, mỗi giờ 2 quả. Ðến gần sáng thì nổ 3 quả thật to để thu quân". 11 người bị thương đều là quân của bà Hiếu, trong đó 3 người bị thương nặng.

Bên kia suối, "cai" Vương (Ngô Viết Vương) đầu trọc, 2 mắt sâu hoắm với khuôn mặt lạnh như tiền, chống gậy trước lán chỉ huy chờ chúng tôi. Ông Vương mạch lạc kể lại vụ việc như đọc kịch bản: "Tôi bị thoái hoá cột sống, không tham chiến. Việc diễn ra quá bất ngờ, tôi không can thiệp kịp. Trước đó, ngày 12/9, quân ông Giới (chỉ chồng bà Hiếu) là Dũng đã chém Nguyễn Nam quân tôi. Công nhân Lê Văn Mạnh, Ðàm Mạnh Tuấn... cũng bị quân ông Giới đánh vỡ mặt. Họ xích mích khi 2 hầm đánh xuyên núi, thông nhau. Thuốc nổ do Dương Văn Mơ quản lý, tôi không rõ.

Dù Giám Ðốc Công ty - ông Lưu Huyền Thắng - cho biết việc quản lý thuốc nổ có quy trình nghiêm ngặt, có phân công trách nhiệm, song chúng tôi chứng kiến thuốc nổ được chất từng thùng gỗ to hàng tạ, nằm ngay trong lều chỉ huy các đội. Việc đánh mìn mỗi ngày từ 8-16kg thuốc nổ (tức 40-80 quả mìn). Các đội nhận mìn, chia cho công nhân từng kilôgram rồi họ tự chia nhỏ (50-100gram/quả). Có lúc công nhân báo đánh lúc thừa, lúc thiếu... Và vụ tấn công cả trăm quả mìn của nhóm công nhân ông Nguyễn Ðức Toàn là minh chứng trong việc buông lỏng quản lý thuốc nổ. Tuy vậy, chẳng cơ quan chức năng nào có mặt thường xuyên nơi thâm sơn cùng cốc này để giám sát.

Môi trường bị huỷ hoại đến tan nát lại diễn ra ngang nhiên. Cả dòng suối, sông - nơi các bãi vàng hoạt động bị chặn lại, tách dòng để lấy đất khai thác, lấy nước lọc tuyển vàng. Nước thải đặc quánh ngầu đục các dòng nước, thải thẳng ra môi trường. Trong những dòng nước thâm đen đó có cả các hoá chất phân kim cực độc như cyanua, thuỷ ngân... Ruộng nương ven sông, suối gần như không sản xuất được.

Hàng trăm miệng hầm đào sâu vài ba trăm mét, không được lấp sau khi ngừng khai thác như những bẫy giết người đầy trong rừng sâu. Cây ngã, đất lở, núi rừng tan hoang song quỹ tài nguyên mà các Công ty khai thác vàng đóng chỉ vài chục triệu đồng làm sao đủ tái tạo. Liệu chính quyền CSVN có dùng nguồn này để bảo vệ môi trường? Xin nói thêm, lượng vàng khai thác là ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước CSVN

 

=END=

 

- Heo Chết Tại Việt Nam Vì Nhiễm Virút Tai Xanh Cực Ðộc Cùng Loại Như Ở Trung Quốc

 

(Hà Nội-VNN) Kết quả phân tích do chuyên gia của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc công bố mới đây cho biết, heo chết nhiều tại Việt Nam do nhiễm virút tai xanh cực độc.

Ông Hòang Văn Năm, Phó Cục trưởng Cục Thú y CSVN, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều hôm qua, 25-9, xác nhận là 99% chủng virút gây bệnh tai xanh trên heo tại Việt Nam cũng cùng chủng lọai với virút gây bệnh với độc lực cao tại Trung Quốc. Nếu nhiễm virút độc lực cao, tỷ lệ chết trên đàn heo mắc bệnh lên đến 20% so với 2% nếu bị nhiễm virút độc lực thường.

Trên thế giới, chỉ có Trung Quốc là sản xuất được vắc xin chống độc lực cao và hiện chưa cho phép xuất khẩu lọai vắcxin này.

Liên quan đến bệnh tai xanh heo, theo báo Người Lao Ðộng ngày 24/9/2007 dẫn tin của ngành Thú y cho biết, sau tỉnh Khánh Hòa, có thêm 2 tỉnh Lạng Sơn và Cà Mau chính thức xác nhận có ổ dịch "tai xanh" trên đàn heo. Như vậy, chỉ trong vòng 6 ngày qua đã có 3 tỉnh ở 3 vùng Bắc - Trung - Nam ghi nhận xuất hiện dịch "tai xanh". Ðây đều là các địa phương mới xuất hiện dịch lần đầu trong năm 2007. Ðiều này cho thấy dịch bệnh có thể xuất hiện tại bất cứ địa phương nào.

Trong khi đó, bản tin AFP loan rằng Trung Quốc hôm Thứ Hai, 24-09, đã bác bỏ tin là họ đã che giấu một dịch bệnh heo làm chết hàng chục ngàn heo ở Trung Quốc, và nói dịch heo bùng phát ở Việt Nam và Miến Ðiện không phải lây từ Trung Quốc. Li Jinxiang, Phó Giám Ðốc Sở Thú Y, Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc, nói là Bộ Nông Nghiệp TQ luôn luôn cung cấp thông tin kịp thời về các dịch bệnh.

Bản tn AFP cũng ghi là Thứ Trưởng Trung Quốc Gao Hongbin nói với các phóng viên là con số chính thức mới nhất về heo bệnh tai xanh đã tăng tới 290,000 con. Trong khi con số đó là 257,000 con hồi cuối tháng 8, và 68,000 con trong đó đã chết. Nhưng các chuyên gia Tây Phương về Trung Quốc tin là con số thực phaỉ cao hơn nhiều.

 

=END=

 

- Chuyện Thương Tâm Cho Dân Việt Nam: Một Sản Phụ Phải Tự Sinh Con Ngay Trong Bệnh Viện

 

(Bà Rịa-VũngTàu - VNN) Một sản phụ đã phải tự sanh con mình non ngày ngay trong bệnh viện Bà Rịa trước sự thờ ơ của hộ lý, không ai quan tâm giúp đở hay báo bác sĩ.

Chuyện xảy ra hơn tháng qua, nay mới được kể. Khoảng 21h ngày 10/8, sản phụ Ð.T.T, 20 tuổi, trú ở ấp Phước Thới, Phước Long Thọ, huyện Ðất Ðỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu, bị đau bụng được mẹ chồng đưa vào Bệnh viện Bà Rịa để khám thai. Bác sĩ khám và chẩn đoán "có biểu hiện sinh non" vì thai mới hơn 6 tháng tuổi. Sau khi bác sĩ thông báo với gia đình và hai bên chấp nhận bảo vệ tính mạng người mẹ là trên hết. Ðến khoảng 3h sáng hôm sau, chị T chuyển dạ nên gọi bác sĩ đến giúp đỡ nhưng không có bác sĩ trực. Lúc này chỉ có hộ lý nhưng cũng không ai quan tâm giúp đỡ hay thông báo đến bác sĩ.

Chị T cho biết: "Lúc tôi bị đau bụng dữ dội thì 4-5 cô hộ lý, bác sĩ gì đó bảo tự leo lên bàn sanh. Lúc này tôi khát nước quá xin uống nước nhưng cũng chẳng ai cho. Người nằm kế bên nói đứa bé lòi hai chân ra rồi kìa. Tôi kêu bác sĩ đến nhưng không ai giúp, mấy cô hộ sinh ngồi ở ngoài trò chuyện, ăn uống rất bình thường.

Tôi đau đớn, khó chịu nên ngồi dậy tự kéo chân đứa bé ra, khi đến tới vai thì nó bị kẹt lại. Tôi mệt quá thì có một cô tới dùng kéo cắt cửa mình cho em bé ra. Có một cô nói là đứa bé chết rồi nha...". Chị T nghẹn ngào: "Nghe họ nói như vậy tôi buồn lắm!".

Sự việc xảy ra, bà Trần Thị Sáu (mẹ chồng) có làm đơn khiếu nại lên Bệnh viện Bà Rịa, nhưng gần 10 ngày bệnh viện vẫn không chịu giải quyết. Bà Sáu tiếp tục làm đơn lên Sở Y tế để khiếu nại. Sau đó, Bệnh viện Bà Rịa mới đến nhà bà Sáu năn nỉ và nhận có thiếu sót. Bà Sáu cho biết: "Thấy họ kéo đến từng đoàn xin lỗi nên thấy cũng tội nghiệp. Tôi chỉ mong sao sau này họ làm việc có trách nhiệm hơn với những bệnh nhân khác thôi".

Ðến ngày 6/9, Bệnh viện Bà Rịa đã có công văn giải trình với nội dung: "Qua phân tích, bác sĩ và các nữ hộ sinh đã nhận thấy thiếu sót của mình trong quá trình chăm sóc sản phụ, khi sản phụ sanh lần đầu, sanh thiếu tháng (cực non), từ những thiếu sót trên dẫn đến sự phẫn nộ lo âu của gia đình. Các nữ hộ sinh đã tự nhận thấy khuyết điểm là chưa làm tròn nhiệm vụ chăm sóc và chưa giải thích cặn kẽ cho sản phụ và thân nhân về tình trạng bệnh để ảnh hưởng đến bệnh viện và mọi người.

Sau khi họp, bác sĩ và các nữ hộ sinh tự hứa sẽ sửa chữa không lặp lại các khuyết điểm trên và đây cũng là bài học kinh nghiệm cho toàn thể nhân viên khoa sản cũng như nhân viên bệnh viện". Từ những thiếu sót trong giải trình, Bệnh viện Bà Rịa đã ra quyết định "nghiêm khắc kiểm điểm toàn kíp trực (bác sĩ và nữ hộ sinh) hình thức phê bình trước toàn bệnh viện". Theo đó, bác sĩ Nguyễn Văn Tích và nữ hộ sinh trưởng kíp trực bị hạ điểm hạnh kiểm trong tháng xuống loại B. Nữ hộ sinh trực tiếp theo dõi hạ điểm hạnh kiểm trong tháng xuống loại C và loại C cả năm.

Tiếp đó, đến ngày 10/9, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã có đơn trả lời, và "xin chia sẻ cùng gia đình và sản phụ T những tổn thương về mặt thể chất và tinh thần; chân thành cảm ơn sự đóng góp ý kiến chân tình, sâu sắc với tinh thần xây dựng của gia đình". Có lẽ với những ghi nhận của Sở Y tế như trên mà đến nay, gia đình chị T vẫn không được sự hỗ trợ gì từ Bệnh viện Bà Rịa.

Sự việc xảy ra hơn một tháng nay nhưng chị T vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ sệt: "Mấy hôm nay trong người hơi yếu, muốn đi tái khám nhưng vẫn không dám xuống Bệnh viện Bà Rịa nữa". (Theo Nguyễn Long - TN)

 

=END=

 

- Bão Số 4 Vào Việt Nam Suy Yếu Thành Áp Thấp: 19 Tàu Bị Ðắm Trong Mưa Bão

 

(Quảng Ninh - VNN) Ðêm 25/9, gió lốc mạnh trên cấp 9 tại Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy, Hạ Long (Quảng Ninh) đã khiến một số tàu đứt neo, va đập vào nhau làm đắm 19 tàu du lịch đang neo đậu. Hiện, bão số 4 suy yếu thành áp thấp và tan dần.

Lúc xảy ra gió lốc, trong cảng có 30 tàu du lịch. Do các tàu này đều vào trú tránh bão và mới trả khách nên trên tàu không còn người.

Các cơ quan chức năng đang trục vớt tàu bị đắm. Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy hiện tạm ngừng cấp giấy phép cho tàu chở khách du lịch.

Cao Ðức Phát, Bộ trưởng Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn CSVN cho rằng, mặc dù đã ban hành kỹ thuật neo đậu tàu thuyền nhưng do các Sở Nông Nghiệp chưa phổ biến cho các cảng tàu nên mới xảy ra tình trạng đắm tàu khi đã vào bãi neo đậu.

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, hầu hết các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá đều không có thiệt hại gì lớn do ảnh hưởng của bão số 4.

Văn phòng Uỷ ban Tìm kiếm cứu nạn cho biết, chỉ có 2 tàu ở vùng biển Ðà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu bị hỏng máy ở ngoài khơi được ứng cứu. Hiện tại 49 thuyền viên ở trên 2 tàu vẫn bình thường. Trưa nay, 2 tàu này sẽ về đến đất liền.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Trung ương, sau khi đi qua phía nam đảo Bạch Long Vĩ, bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. 22g tối 25/9, khi đi vào địa phận tỉnh Thái Bình với sức gió 49 km một giờ, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp.

Hôm nay, áp thấp sẽ đi vào các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và tan dần. Khu vực Bắc Việt và Bắc Trung Việt tiếp tục mưa. Trong 2 ngày qua, lượng mưa ở mức 30-60 mm, một số nơi mưa lớn như: Yên Ðịnh (Thanh Hóa): 152 mm, TP Thanh Hóa: 124 mm, Tĩnh Gia (Thanh Hóa): 114 mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An): 106 mm...

Hiện vẫn chưa có thống kê về thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra.

Ngày 22/9, áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở khu vực biển Trung Quốc và sáng 23/9, đã mạnh lên thành bão Francisco (Việt Nam gọi là bão số 4, Trung Quốc gọi là bão số 14).

Trưa 24/9, bão đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc, đánh chìm một tàu cá cùng 8 ngư dân. Ðến nay, 4 người vẫn mất tích.

 

 

* Các chủ tàu du lịch bị đánh đắm tại cầu cảng Bãi Cháy

 

=END=

 

- Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm Nhận Hối Lộ

 

(Ðắc Lắc - VNN) Chiều 25/9, ông Ðỗ Thành Tiến, Chánh văn phòng Sở Giáo Dục Ðắc Lắc cho biết, Hiệu trưởng và Hiệu phó trường Trung cấp Sư phạm mầm non tỉnh vừa bị công an CSVN bắt tạm giam.

Hiệu trưởng Bùi Thị Kim Liên, 55 tuổi và Hiệu phó Thái Thị Hương, 53 tuổi đã nhận hối lộ trong công tác tuyển sinh vào trường năm học 2007-2008. Việc bắt giữ hai thành viên trong ban giám hiệu đã khiến kế hoạch khai giảng của trường này dự trù tổ chức vào ngày 21/9 phải hoãn lại.

Ông Tiến cũng cho biết, Sở đã họp bàn việc đình chỉ công tác bà Liên và Hương, chuẩn bị nhân sự thay thế để ổn định việc dạy học tại trường trong năm học mới.

 

=END=

 

- Ðường Trong Thủ Ðô Biến Thành "Ðường Làng"

 

(Hà Nội - VNN) Dài chưa đầy 3 km, tuyến đường Khương Ðình - Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang trở thành nỗi kinh hoàng của người dân với hàng chục "ổ voi", bụi mù mịt suốt ngày. Ùn tắc cũng trở thành chuyện thường ở đây.

Tuyến đường Khương Ðình - Kim Giang nằm trên địa phận các phường: Hạ Ðình, Kim Giang và Ðại Kim (quận Thanh Xuân), dài gần 3km. Ði qua tuyến đường này, người dân có thể tới đường Giải Phóng, Quốc lộ 1, Nguyễn Trãi, Khương Trung...

9g sáng, từng đoàn xe tải, container nối đuôi nhau. Hà Nội vừa qua mấy ngày mưa, mặt đường nhiều vũng nước nhưng đoạn nào khô là bụi. Ðường xấu, những chiếc xe tải đi như bò, xả khói, bụi bay mù mịt.

Hầu hết những người đi trên đường đều đeo khẩu trang. Những thanh niên đến đoạn đường này cũng vội đưa tay lên bưng mồm, rồi mắt nhắm mắt mở lao nhanh qua.

Hai đống cát, đá choáng gần hết lòng đường. Mỗi lần xe hơi phóng qua lại kéo theo một lượng lớn cát bay mù mịt.

Tuyến đường Khương Ðình - Kim Giang còn "nổi tiếng" bởi những "ổ gà", thậm chí là "ổ voi". Ngay từ đường Nguyễn Trãi rẽ vào, mặt đường đã nham nhở bởi những hố sâu, tiếp tục bị băm nát bởi những ổ, những hố lớn nhỏ.

Ðường quá hẹp, "ổ gà" khắp mặt đường nên những chiếc xe tải, xe khách kềnh càng "vật vã" từ bên này sang bên kia đường. Xe máy khi gặp xe hơi đi ngược chiều không còn lựa chọn nào khác đành lao xuống hố mặc cho bùn nước bắn tứ tung.

Kim Giang là đường dân sinh, nhưng khi Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhiều xe hơi bèn chạy tránh qua đây. Ðặc biệt, từ tháng 4 năm nay, cầu Tó (trên đường 70 hướng Văn Ðiển- Hà Ðông) bị hỏng, đường Kim Giang được dùng để phân luồng cho xe tải chạy từ đường Giải Phóng, quốc lộ 1 vào Hà Ðông. Lượng xe gia tăng, lại nhiều xe tải hạng nặng nên đường mới bị xuống cấp nhanh và trầm trọng như vậy.

 

Vừa đi vừa tránh 

* Vừa đi vừa tránh "ổ voi" trên đường thủ đô Hà Nội.

 

=END=

 

- Chợ Vinh Lại Bị Hỏa Hoạn

 

(Nghệ An - VNN) Khoảng 17 giờ 40 phút ngày 26/9, ngọn lửa lại bùng lên tại Chợ Vinh. Ít nhất 16 gian hàng tại khu vực đình số 1 (chợ tạm) nơi tập trung các quầy hàng vải và đồ điện gia dụng bị thiêu rụi.

Khu vực cháy là đình số 1 (chợ tạm), bám đường Hồng Sơn. Ít nhất đã có 30 quầy hàng bị thiêu rụi. Khu vực bị cháy phần lớn là các quầy hàng đồ may mặc sẵn, mũ vải và đồ điện gia dụng. Ðây không phải lần đầu tiên Chợ Vinh bị "bà hỏa" viếng thăm.

Ngọn lửa bùng phát từ quầy số 5 và nhanh chóng lan rộng. Công an tỉnh Nghệ An và Công an Cửa Lò đã huy động 16 xe cứu hỏa. Ðám cháy nhanh chóng được dập tắt trong hơn nửa giờ.

Ban quản lý chợ và các lực lượng khác đã nỗ lực hết sức tham gia chữa cháy, cứu hàng hoá cũng như giữ gìn trật tự.

Ðược biết, không có hiện tượng cướp bóc, hôi của xẩy ra. Hiện chưa biết được nguyên nhân vụ cháy cũng như mức độ thiệt hại.

Chợ Vinh (tạm) đã tạm 4 năm rồi, trong khi Dự án chợ Vinh to đẹp chưa xong phần tầng hầm.

Nhắc lại, cách đây 6 tháng, vào đêm 24/3/07, lửa đã bất ngờ bùng cháy tại chợ Quán Lau ở phường Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, hơn 200 gian hàng đã bị bắt lửa, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỉ đồng.

 

=END=

 

3- Tin Thế Giới 26-09-07

 

- Miến Ðiện: Chế Ðộ Quân Phiệt Ra Lệnh Nổ Súng Giải Tán Biểu Tình

 

(Rangoon - VNN) Cuộc đấu tranh chống độc tài quân phiệt đòi dân chủ Miến Ðiện đã bước sang giai đoạn quyết liệt; dư luận thế giới theo dõi và bày tỏ e ngại. Tất cả đều mong muốn khủng khoảng được giải quyết trong sự ôn hoà. Nhưng chế độ quân sự Miến bất chấp áp lực quốc tế và khuyến cáo của đàn anh Trung Cộng, đã bắt đầu đàn áp sau khi ban hành lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ đêm qua 25-09. Liên đoàn Phật giáo Miến Ðiện cho biết, chế độ đã điều động quân đội bao vây ngôi Chùa lớn Shwedagon từ hôm qua 25-09. Các nhà sư và dân chúng đã tỏ ra cương quyết, bất chấp cảnh báo của chế độ, hôm nay 26-09 đã có khoảng 10.000 nhà sư xếp hàng khởi hành từ chúa Sule xuống đường tuần hành. Tin mới nhất do hãng thông tấn AP đánh đi và nhân chứng cho biết, các nhà sư bị cảnh sát chống bạo động đánh dập và nổ súng giải tán, đã làm 2 sư và 1 thường dân chết, hàng chục người bị thương và gần 200 người bị bắt giữ. Bất chấp cảnh sát và quân đội ghìm súng sẵn sàng nổ - ma trắc, rào kẽm gai được dựng lên tại trung tâm Rangoon ngăn chận đoàn biểu tình - một đoàn biểu tình khác qui tụ hàng ngàn người gồm các nhà sư và thành viên dân chủ quyết tâm vượt qua chướng ngại vật để di chuyển ngang qua chùa Sule. Một số người biểu tình và các nhà sư đi đầu đã chuẩn bị sẵn khăn mũi chống hơi cay. Tuy lúc khởi hành đoàn biểu tình không đông như mấy ngày qua, nhưng làn sóng biểu tình ngàn càng đông được dân chúng gia nhập, nỗ lực đi qua các con đường Rangoon.

Các tướng nắm quyền Miến Ðiện từ 45 năm qua hôm 25-09 đã cảnh cáo giới tăng lữ về việc áp dụng biện pháp mạnh nếu tiếp tục biểu tình. Sáng nay 26-09 nhà cầm quyền đã điều động binh sĩ và cảnh sát bao vây hai ngôi chùa lớn tại cựu thủ đô Rangoon, được xem như là nơi tạm ngụ của các nhà sư khởi xướng các cuộc tuần hành. Ngoài ra quân đội đã bắt giữ các nhà dân chủ tham gia biểu tình, trong số này có nghệ sị Za Ga Na tháp tùng các nhà sư biểu tình, và kêu gọi dân chúng tham gia phong trào phản đối hiện nay. Theo nguồn tin đáng tin cậy, lãnh đạo đối lập cùng các lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã bị chế độ bí mật chuyển đến nhà tù kiên cô Insein. Hôm 23-09 đoàn biểu tình các nhà sư đã bất ngờ đi ngang qua nhà bà Aung San Suu Kyi; bà đã ra trước cửa chấp tay chào các nhà sư và bật khóc khiến các nhà sư và người biểu tình khóc theo. Họ đã dừng lại dưới trời mưa cầu nguyện trong 15 phút. Cảm xúc này đã nhanh chóng truyền lan trong dân chúng, khiến chế độ quân phiệt e ngại bà Suu Kyi sẽ gia nhập đoàn biểu tình nay mai nếu họ để cảnh này tiếp tục diễn ra. Trong khi đó tại thành phố Pakokku miền trung Miến Ðiện, cảnh sát đã nổ súng vào đoàn biểu tình gồm hàng ngàn nhà sư và dân chúng tham gia. Cộng đồng quốc tế hôm nay đồng loạt lên tiếng cảnh báo chế độ quân sự hãy tự chế tránh cảnh đàn áp đẫm máu người biểu tình ôn hòa, như đã từng xảy ra năm 1988 làm trên 3.000 người thiệt mạng xảy ra bên ngoài chùa Sule, Rangoon.

 

* Miến Ðiện: các nhà Sư bất chấp đàn áp - sinh viên nhập cuộc.

 

=END=

 

- Ân Xá Quốc Tế Kêu Gọi Liên Hiệp Quốc Gửi Ðặc Sứ Tới Miến Ðiện

 

(Luân Ðôn - VNN) Tổ chức Ân Xá Quốc Tế hôm 26-09 để kêu gọi Liên Hiệp Quốc gửi đặc sứ tới Miến Ðiện để bảo đảm rằng nhà cầm quyền quân sự không đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa của giới tăng lữ và dân chúng. Theo Ân Xá Quốc Tế, đặc sứ Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp xúc các tướng cầm quyền yêu cầu họ đối thoại với người biểu tình để tạo cơ hội hòa giải quốc gia, không nên dùng bạo lực đối với các nhà sư bày tỏ nguyện vọng ôn hòa. Hôm qua 25-09, vào giờ chót đoàn biểu tình lên tới gần 100.000 người, họ đã dừng lại trước văn phòng Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Rangoon, yêu cầu can thiệp để nhà cầm quyền trả tự do cho tất các nhà sư, bà Aung San Suu Kyi và các tù nhân chính trị. Sinh viên đã tham gia cuộc tuần hành.

Trong khi đó tại thành phố Mandalay, thành phố lớn thứ nhì Miến, đã có khoảng 10.000 người biểu tình sau đó họ giải tán trong ôn hòa không một đụng độ nào xảy ra. Trong khi đó 7 tỉnh trong số 14 tỉnh cũng có các nhà sư xuống đường. Ðược biết từ đêm 25-09, nhà cầm quyền quân sự đã ban hành lệnh giới nghiêm tại 2 thành phố lớn Rangoon và Mandalay. An ninh cũng đã rải nhiều truyền đơn đe dọa dân chúng không nên tham gia biểu tình, nếu thực hiện sẽ lãnh những hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình nhà cầm quyền quân sự chuẩn bị đàn áp người biểu tình, Tổng thống Bush trong bài diễn văn đọc hôm 25-09 tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc loan báo tăng cường một số biện pháp trừng phạt đối với chế độ quân sự Miến như cấm vận ngoại giao, vũ khí, phong tỏa tài sản các giới chức quân sự ở ngoại quốc. Ông Bush cũng yêu cầu thế giới ủng hộ kêu gọi của ông giúp Miến Ðiện tái lập dân chủ tạo ổn định trong vùng. Anh quốc và Úc nhanh chóng lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Bush, và cảnh báo nhà cầm quyền Rangoon không nên đàn áp các nhà sư và dân chúng biểu tình ôn hòa. Thế giới đang rất quan tâm và hướng về diễn biến tại Miến Ðiện.

 

 

Tổng thống Bush

* TT Bush loan báo các biện pháp trừng phạt mới đối với chế độ quân sự Miến.

 

=END=

 

- A Phú Hãn: 165 Tay Súng Taleban Bị Bắn Hạ Sau Hai Ngày Giao Tranh

 

(Kabul - VNN) Hãng AP hôm 26-09 loan tin, trên 100 tay súng Taleban bị bắn hạ trong một trận đánh xảy ra trong tỉnh Helmand, miền nam A Phú Hãn, nâng tổng số thiệt hại trong hàng ngũ taleban lên 165 người sau 2 ngày giao tranh. Tin này được bộ chỉ huy quân sự Mỹ loan báo được AP trích dẫn. Trong thông cáo bộ chỉ huy Mỹ cho biết, cuộc đụng độ đầu xảy ra khi trên 80 du kích Taleban trang bị súng máy, phóng hỏa tiễn, súng cối đã tấn công vào một toán tuần tra A Phú Hãn gần làng Kakrak trong tỉnh Uruzgan. Trận đánh kéo dài trong 6 giờ. Lực lượng bộ binh đã gọi phản lực cơ liên minh yểm trợ, cũng như pháo binh tập trung nhắm vào vị trí của Taleban loại khỏi vòng chiến 65 tên. Thời tiết và địa thế là yếu tố thuận lợi chính khiến không quân liên minh can thiệp hữu hiệu.

 

US soldier in Afghanistanmap

* 2 trận đánh tại miền nam A Phú Hãn, 165 lính Taleban bị hạ.

 

=END=

 

- Tổng Thống Venezuela Muốn Giúp Giải Thoát 3 Tù Nhân Mỹ

 

(Caracas - VNN) Tổng thống Venezuela Hugo Chavez hôm 26-09 tuyên bố mong muốn giúp các con tin Mỹ bị du kích FARC ở Colombia bắt cóc được trả tự do. Chavez nói thêm, ông ta mong muốn Tổng thống George W. Bush đóng vai trò tích cực hơn. Lãnh đạo Venezuela đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa ước với du kích FARC để trao đổi con tin và du kích đang bị chính phủ Colombia giam giữ. Tổng thống Alvaro Uribe đã đồng ý cho ông Chavez tiếp xúc với lãnh tụ du kích tại Venezuela. Ðã có một cuộc hẹn giữa lãnh đạo Venezuela và du kích FARC tại Caracas vào tháng tới.

Trong một cuộc tiếp xúc với thân nhân 3 người Mỹ bị bắt cóc, Chavez đề cập tới vai trò của Tổng thống Bush trong việc đàm phán. Theo Chavez, trong vụ này hoàn toàn có tính cách nhân đạo, không màu sắc chính trị hay ý thức hệ; ông ta hy vọng Tổng thống Bush có thể giúp đỡ. Theo Chavez thì ông được biết đã có cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Bush, Tổng thống Colombia Uraibe và Tổng thống Pháp Sarkozy bên lề Ðại Hội Ðồng bàn vấn đề này. Du kích FARC muốn trao đổi 3 con tin Mỹ để lấy về 2 thủ lĩnh du kích, một là Naybile Sonia Rojas bị tòa án Mỹ tuyên án tù vì nhập cocaine vào Mỹ; người thứ hai là Ricardo Palmera được biết dưới bí danh là Simon Trinidad đang bị giam chờ tòa án Mỹ xử tội tương tự như Naybile. Chavez đã hỗn xược gọi Tổng thống Bush là con quỷ trong bài diễn văn đọc trước Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc năm ngoái, bị dư luận Mỹ lên án; Chavez muốn lợi dụng cơ hội này làm hòa với dân chúng Mỹ. Trong cuộc gặp gỡ dưới dấu hiệu cảm động và cầu nguyện, thân nhân các con tin Keith Stansell, Marc Gonsalves và Tom Howes đã cảm ơn Tổng thống Hugo Chavez trong vai trò trung gian với FARC. 3 người Mỹ bị du kích bắt khi phi cơ họ rớt vào tháng 2-2003 trong rừng phía nam Colombia.

 

* 3 con tin Mỹ bị du kích Farc bắt từ tháng 2-2003.

 

=END=

 

- Liên Hiệp Quốc: Thủ Tướng Ý Vận Ðộng Thế Giới Bãi Bỏ Án Tử Hình

 

(Nữu Ước - VNN) Hãng AP ngày 26-09 loan tin, Thủ tướng Ý, Romano Prodi trong diễn văn đọc tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc tối qua 25-09, yêu cầu thế giới đưa ra thời điểm hủy bỏ án tử hình. Trong diễn văn này lãnh đạo chính phủ Ý cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc thông qua một dự thảo nghị quyết đưa ra một kỳ hạn hủy bỏ án tử hình. Kêu gọi này đã bị một số nước phản đối, đặc biệt là Trung Cộng, Hoa Kỳ, Iran và số đông các nước hồi giáo khác. Theo ông Prodi, xu hướng chống lại án tử hình ngày càng gia tăng trên thế giới, và nếu kêu gọi của ông được hưởng ứng thì xã hội thế giới trong tương lại ít phiêu lưu mạo hiểm hơn. Ông Romano cũng nhìn nhận việc kêu gọi hủy bỏ án tử hình hiện nay là một cuộc chiến khó khăn vì nhiều nước còn áp dụng án này đối với các tội phạm nặng. Phát ngôn bộ Ngoại giao Ý, Pqaquale Ferrara, hôm 25-09 xác nhận có tới 90 nước ủng hộ đề nghị của Ý đưa ra một hạn định. Ðể dự thảo nghị quyết này có thể thông qua, phải cần tới 2/3 phiếu trong tổng số 192 thành viên Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc. Chống đối mạnh mẽ án tử hình, Ý tung ra cuộc vận động ngoại giao hủy bỏ án tử hình vào thời điểm nhà cầm quyền Iraq hành quyết Saddam Hussein.

 

 

* Thủ tướng Ý Romano Prodi vận động nghị quyết hạn định bỏ án tử hình.

 

=END=

 

- Phi Luật Tân: Chủ Tịch Ủy Ban Bầu Cử Bị Cáo Buộc Tham Nhũng

 

(Manila - VNN) Theo tin AP ngày 26-09, một thành viên nội các chính phủ hôm nay đã làm chứng rằng giới chức ủy ban bầu cử Phi Luật Tân đã tham nhũng. Dự án mua lại công ty với giá cao 330 triệu đôla, trong đó ông Romuro Neri được thúc đẩy phải đút lót hối lộ. Tổng thống Gloria Arroyo hôm 25-09 cho mở cuộc điều tra mật, và đã không tìm thấy chứng cớ nào buộc tội tham nhũng đối với ông Benjamin Abalos. Ông Romulo Neri, cựu thư ký cơ quan lo về xã hội kinh tế, hiện là ủy viên đặc trách giáo dục, xác nhận trong phiên xử ngày thứ nhì tại Thượng viện rằng chủ tịch Ủy Ban bầu cử Benjamin Abalos đề nghị tặng ông ta 4,4 triệu đôla để thông qua dự án mua lại hãng. Ông Abalos cũng là nhân chứng trong phiên xử hoàn toàn bác bỏ cáo buộc của ông Romuro Neri.

 

=END=

 

- Trung Cộng Tiếp Xúc Mật Với Ðối Lập Miến Ðiện

 

(Bắc Kinh - VNN) Hãng Reuters ngày 26-09 loan tin, cho dù Trung Cộng chưa bày tỏ một cách công khai, nhưng trong thời gian qua Bắc Kinh đã ủng hộ ngầm đối lập Miến Ðiện và thiểu số sắc tộc đang tị nạn dọc biên giới Thái Lan, chuẩn bị một sự thay đổi chế độ do các tướng lãnh đang nắm quyền. Là đối tác kinh tế từ lâu với chế độ quân phiệt, Bắc Kinh ủng hộ các tướng trong cuộc đàn áp biểu tình đòi dân chủ năm 1988, và ủng hộ các tướng bác bỏ kết quả bầu cử năm 1990 mà đảng của bà Aung San Suu Kyi đã thắng cử. Trong khi hàng chục ngàn rồi nhanh chóng lên hàng trăm ngàn người biểu tình chống đối chế độ trong những ngày qua, Trung Cộng kêu gọi các tướng nên duy trì ổn định, nhưng vẫn tôn trọng chính sách không can thiệp vào nội bộ của Miến. Nhưng đàng sau thái độ trung dung này, Trung Cộng đã tiếp xúc mật với phong trào đối lập và với các nhóm thiểu số, như xác nhận của các nhà quan sát Tây phương và đại diện các nhóm ly khai.

Zin Linn, phát ngôn liên minh quốc gia đoàn kết Miến Ðiện (NCGUB) một đảng đối lập lưu vong ở Thái Lan khẳng định, có gặp gỡ các đại diện Bắc Kinh hồi năm ngoái. Zin Linn nói: "Họ (Trung Cộng) không chính thức nhìn nhận chúng tôi, nhưng tôi nghĩ họ muốn tìm hiểu quan điểm của chúng tôi". Trung Cộng là nước đỡ đầu cho chế độ quân phiệt Miến, nhập cảng từ nước này gỗ, khoáng sảnMiến có đường ống dẫn dầu cung cấp cho miền Tây Nam Trung quốc, cũng như khí đốt để tránh đi qua eo biển Malacca, hải hành rộn rịp nhất thế giới.

Andrew Small, nhà nghiên cứu Hiệp hội German Marshall Fund có trụ sở ở Brusells nhận định, các tiếp xúc này cho thấy Bắc Kinh đã tính trước, ngay dù họ chưa bỏ rơi chế độ quân sự. Theo ông Small: "từ khi Trung Cộng tham gia vào đường ống dẫn dầu và khí đốt, Bắc Kinh có nhu cầu ổn định tại nước láng giềng". Nhưng tới giờ Trung Cộng chưa cho thấy dấu hiệu gì bỏ rơi chế độ quân phiệt Miến. Vào tháng 1, Trung Cộng và Nga đã dùng quyền phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An đòi Rangoon trả tự do cho tất cả tù nhân bất đồng chính kiến, chấm dứt đàn áp các nhóm thiểu số và dân chủ hóa đất nước. Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa lập luận rằng, việc vi phạm nhân quyền không thuộc lãnh vực của Hội Ðồng Bảo An, khi nó không gây một đe dọa nào đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Mới đây nhà ngoại Trung Cộng, Tang Jiaxuan tuyên bố rằng Bắc Kinh hy vọng Miến Ðiện "theo đuổi tiến trình dân chủ hóa đất nước". Một nhà nghiên cứu Trung quốc không nêu tên cho biết, một nhóm do bộ ngoại giao Trung Cộng điều khiển đã tiếp xúc với đối lập Miến Ðiện. Hôm nay 26-09, ông Guo Yazhou, một giới chức cao cấp đảng Cộng sản Trung Quốc đã bác bỏ tất cả liên hệ với đối lập Miến Ðiện.

 

* TT Bush tiếp nhà ngoại giao Tan Jiaxuan tại Bạch Ốc tháng 12-2006.

 

=END=

 

- Giới Trí Thức Iran Nóng Lòng Khi Lãnh Ðạo Họ Bị Sỉ Nhục

 

(Tehran - VNN) Giới trí thức Iran cảm thấy tự ái dân tộc bị tổn thương khi lãnh đạo của mình bị một hiệu trưởng Ðại học Mỹ chê là "nhà độc tài tầm thường dốt nát". Hôm 25-09 Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đọc bài diễn văn tại đại học Columbia ở Nữu Ước, đã phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về xã hội Iran và về nạn diệt chủng người Do Thái hồi đệ nhị thế chiến. Trong một bài diễn văn, ông Bollinger chê ông Ahmadinejad "ít hiểu biết", khi phủ nhận vụ tàn sát người Do Thái vào thời Hitler. Hiệu trưởng đại học Columbia cũng nói rằng ông Ahmadinejad "có ý khiêu khích một cách trơ trẽn" và "kém học thức một cách đáng ngạc nhiên".

Cơ quan truyền thông Iran hôm nay 26-09 lên án ông Bollinger khi giới thiệu Tổng thống Iran trước cử tọa bằng lời lẽ có tính khiêu khích. Truyền thông Iran cũng cáo buộc ông Lee Bollinger đã phỉ báng Iran và Tổng Thống nước này. Truyền thống Iran cho rằng những nhận định của ông Bollinger bị ảnh hưởng bởi những lời tuyên tryền của chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Người ta không ngạc nhiên khi biết, các cơ quan truyền thông Iran đã không truyền thanh hay loan tải bản dịch ra tiếng Farsi bài diễn văn của ông Bollinger. Một nhóm hiệu trưởng danh dự của đại học Iran đã phản đối mạnh mẽ những nhận định của ông Bollinger, và viết cho ông một lá thư yêu cầu ông trả lời những câu hỏi của họ về các chính sách của Hoa Kỳ.

 

Lee Bollinger

* Ông Bollinger chỉ trích Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad

 

=END=

 

- TTK Ban Ki Moon Kêu Gọi Quốc Tế Hậu Thuẫn Cải Cách Của LHQ

 

(Nữu Ước - VNN) Trong diễn văn khai mạc Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 62, TTK Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã kêu gọi thế giới ủng hộ những cải cách của cơ quan quốc tế này để đối phó với những thách thức mới. Hai trong những thách thức lớn, theo ông Ban, là thách thức về sự lan tràn các loại vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt, và thách thức về thời tiết thay đổi. Có 99 lãnh đạo quốc gia hay Thủ tướng các nước thành viên tham dự khóa học Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc năm nay. Một lãnh đạo thuộc thế hệ sau này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chỉa mũi dùi thẳng vào Iran. Trong bài diễn văn, Tổng thống Pháp nói rằng, Iran có quyền sở hữu năng lượng hạt nhân dân dụng, nhưng nếu Iran có vũ khí hạt nhân thì đó là một rủi ro cho thế giới không thể chấp nhận được. Ông Sarkozy cũng nhấn mạnh, Pháp sẵn sàng giúp đỡ bất cứ nước nào cần phát triển năng lượng hạt nhân dân sự, ít gây ô nhiễm môi trường làm hâm nóng khí hậu địa cầu. Thủ tướng Ý kêu gọi thông qua một nghị quyết hạn định hủy bỏ án tử hình. Trong khi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez không dự Ðại Hội Ðồng vì e ngại bị trả đũa. Trong diễn văn năm ngoái, ông Chavez gọi Tổng thống Bush là qủi sa tan. Về phần nước chủ nhà, Tổng thống Bush trong bài diễn văn của ông đã kêu gọi thế giới ủng hộ khi loan báo tăng cường các biện pháp cấm vận vũ khí, tài chánh và ngoại giao đối với chế độ quân sự Miến Ðiện. Dịp này ông Bush cũng tiếp xúc riêng với Thủ tướng Iraq, Nouri al-Maliki thảo luận tình hình an ninh tại Iraq.

 

UN Secretary-General Ban-Ki Moon addressing the United Nations General Assembly, Tuesday, 25 Sept 2007

* TTK/LHQ Ban Ki Moon kêu gọi quốc tế ủng hộ các cải cách.

 

=END=

 

- CIA Báo Ðộng: Al-Qaida Tuyển Mộ Nhân Sự Ở Âu Châu

 

(Hoa Thịnh Ðốn - VNN) Hãng AP hôm 26-09 loan tin, Giám đốc CIA Mỹ, Mike McConnell báo động rằng Al-Qaida đang đẩy mạnh việc tuyển mộ nhân sự ở Âu Châu. Theo ông McConnel, Al-Qaida tuyển mộ các thành viên mới ở Âu Châu để đưa sang huấn luyện tại Pakistan chuẩn bị tấn công Mỹ. Theo giám đốc CIA, người Âu Châu vào Mỹ dễ dàng hơn các nước khác, nhất là công dân các nước Á rập. Giữa Hoa Kỳ và Âu Châu có ký một hiệp ước cho phép các công dân của nhau vào Mỹ hay Âu Châu trong 3 tháng mà không cần xin thị thực nhập cảnh. Ðiều trần trước Ủy Ban Luật Pháp Thượng viện, ông McConnell đánh giá cuốn băng phổ biến mới đây của Osmaa Bin Laden có thể là một dấu hiệu ra lệnh mở các vụ tấn công mới nhắm vào Mỹ. Dịp này ông McConnel nhắc lại những đề nghị của ông và chính phủ Bush hồi tháng 7, mong muốn quốc hội nhanh chóng thông qua một dự luật mới cho phép cơ quan tình báo theo dõi qua điện thoại cùng kiểm soát các thư điện tử.

 

a

 

 

 

 

 

* Mike McConnell điều trần trước Ủy Ban luật pháp Thượng viện.

 

=END=

 

**********************************

 
 
 
Home Page
 
 
 
Tài Liệu
 
Tài liệu
Tài liệu Lưu trữ
Tin tức Lưu trữ
Nguyễn Quang Duy